Đó là một ngày kỳ lạ ở tại vùng đất quê mình – Đăk Mil, khi mà mọi thứ đều đi lệch với quỹ đạo xưa nay có. Một ngày mưa dầm từ sáng tới tối vào mùa khô ngày 29 Tết. Có thể nhiều người sẽ bảo mưa là chuyện bình thường, Sài Gòn cũng thường xuyên xảy ra cơn mưa bất chợt vào mùa khô đó thôi. Nhưng ở vùng đất Tây Nguyên thì khác. Mặc dù gần 30 nồi bánh chưng nhưng đây là lần đầu tiên mình đội áo mưa đi mua sắm Tết.
Nhờ cơn mưa không mong đợi đó mà nhiều nhà kết thúc Tết sớm hơn dự định. Có nhà kết thúc từ ngày 30 Tết, có nhà trễ hơn thì mùng 2 Tết như nhà mình chẳng hạn. Hình ảnh người nông dân trên chiếc xe công nông cùng bộ đồ nghề tưới tiêu xuất hiện liên tục từ hôm 29 Tết cho đến hôm nay.
Một hiện tượng hiếm hoi xảy ra khiến cho cái Tết năm 2021 không trọn vẹn trở nên có nhiều khiếm khuyết hơn. Một cái Tết không tụ họp được đầy đủ các thành viên trong gia đình vì dịch bùng phát trở lại. Một cái Tết khiến cho mọi người cảm thấy rằng đường về nhà sao trở nên xa quá. Tết năm nay thật lạ.
Mùa tưới tiêu quan trọng như thế nào đối với người dân làm cà phê
Ở vùng đất Tây Nguyên có hai mùa rõ rệt : mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa xảy ra từ tháng 5 đến tháng 12 và mùa khô từ tháng 12 đến tháng 4 hàng năm. Vào mùa khô, người dân tưới cà phê và tiêu để kích thích ra hoa chuẩn bị cho mùa thu hoạch cuối năm. Tùy vào năm đó mùa khô kéo dài hay ngắn mà người ta chia ra nhiều đợt tưới khác nhau.
Đối với người làm cà phê, có hai thời điểm quan trọng nhất trong một năm đó là mùa tưới và mùa hái. Dĩ nhiên khoảng giữa hai thời điểm đó cũng rất quan trọng nhưng mùa tưới là mùa quyết định sự bội thu của vườn cà phê năm đó. Chỉ cần năm đó xảy ra một đợt sương muối thì xác định năm đó cơm chan với nước mắt sống qua ngày. Đây cũng là thời điểm đẹp nhất năm khi hình ảnh hoa cà phê phủ trắng xóa cả con đồi như những bông tuyết. Mùi thơm của hoa cà phê quyện với mùi đất bốc lên khi tưới nước tạo nên một nét đặc trưng của mùa này. Mùa tưới cà không sôi nổi đông đúc như mùa hái mà lặng lẽ hơn, vất vả hơn vì phải thức đêm để làm.

Tại sao mọi người lại đua nhau vác đồ đi làm và bỏ tết
Nếu đọc tới đây, chắc sẽ có nhiều bạn cho rằng việc xuất hiện cơn mưa dầm như hôm 29 tết là một chuyện tốt vì người dân sẽ đỡ một lần tưới tiêu. Nếu mọi chuyện đơn giản và dễ dàng như thế thì cuộc đời chẳng còn gì để nói và mình cũng chẳng viết bài này với tiêu đề như thế.
Như mình đã nói ở trên, vùng đất Tây Nguyên có hai mùa khô và mùa mưa. Nghĩa là vào mùa khô, thời tiết sẽ nắng nóng liên tục trong vài tháng, kéo theo đất trở nên khô cằn và thiếu nước nuôi sống cây trồng. Do đó, việc tưới tiêu giúp cây ra hoa và đậu quả theo mong muốn của người nông dân.
Mưa vào mùa khô có tốt hay không còn phụ thuộc vào lượng mưa hôm đó. Do thời gian khô hạn kéo dài nên một cơn mưa dầm không đủ ngấm và làm ướt đất, mặc dù với lượng mưa đó đủ biến chúng ta thành con chuột nếu không trùm thêm áo mưa. Khi đất không đủ ướt thì hoa cà phê không thể bung nở và chỉ nằm yên ở chế độ búp. Thời gian đó càng kéo dài thì hoa cà phê sẽ bầm tím, kết quả cuối cùng là hoa không thể đậu quả. Nguy cơ một năm mất mùa sẽ xảy ra.
Để cứu vớt tình trạng đó, người nông dân cần phải cung cấp thêm lượng nước mà cây còn thiếu để kích hoa nở. Họ cần thực hiện việc tưới tiêu trong vòng một đến hai ngày sau cơn mưa. Do đó, nhờ cơn mưa hôm 29 Tết mà nhiều gia đình trở nên lo lắng và quyết định “ăn Tết trong rãy”. Mọi người có thể bất chấp dịch mà về quê ăn Tết nhưng họ bất chấp bỏ Tết chỉ vì “cơn mưa vàng”.
Nỗi khổ của người dân khi công việc phụ thuộc luôn vào ông trời
Dịch Covid đã dạy cho mình một bài học rằng chuyện gì cũng có thể xảy ra, không bằng cách này thì cách khác. Như năm 2020 vừa qua, chính sự biến đổi khí hậu khiến cho nông dân nhiều phen điêu đứng, hạn hán, ngập mặn ở miền Nam, lũ lụt ở miền Trung, mưa đá, lũ quét, sạt lở ở miền Bắc.
Từ trước đến nay, họ làm việc chủ yếu dựa vào tình hình thời tiết hằng năm và tạo nên vòng tròn khép kín. Mỗi năm một kiểu thiên tai khác nhau nên chính bản thân không biết nên chuẩn bị kiểu gì để kịp thời ứng phó. Khổ cực nối tiếp khổ cực. Những nơi nghèo vẫn mãi là nơi nghèo.
Vì để yên tâm ăn Tết, người dân đã sắp xếp công việc theo lịch trình đã vạch sẵn như hàng năm. Nếu không vì cơn mưa hôm đó, thời gian nghỉ Tết ở quê mình sẽ kéo dài hơn.
Bản thân chúng ta có thể làm được gì?
Chúng ta chẳng thể làm được gì khi mẹ thiên nhiên đã nổi giận. Chúng ta chỉ có thể xoa dịu sự tức giận đó bằng những hành động của mình hằng ngày. Sống xanh giảm nhựa là điều chúng ta phải hướng tới: hạn chế sử dụng túi nilong, tái sử dụng chai nhựa…Chỉ cần mỗi cá nhân ý thức được hành động của mình, sống có trách nhiệm hơn với môi trường. Mỗi người tích góp một chút thì chúng ta sẽ dần lấy lại sự cân bằng cuộc sống trước đây. Cuộc sống của người dân cũng nhờ đó mà cải thiện hơn.
*******
Mỹ Hường – Freelance Writer/ Blogger
Like fanpage Go and Drinks để kết nối gần hơn với mình nhé