Tôi chưa từng nghĩ rằng có một ngày mình sẽ viết về vùng đất cà phê quê mình chỉ vì nó quá quen thuộc. Nhưng đối với những người chưa có cơ hội biết về cây cà phê đây lại là một trải nghiệm thú vị.

Hôm nay, tôi quyết định viết về mùa hái cà phê ở quê mình – Đăk Nông.

Từ khi vào Sài Gòn lập nghiệp tôi không còn đồng hành cũng ba mẹ trong mùa hái cà phê nữa. Nhưng mỗi năm vào dịp cuối năm, tôi vẫn luôn hỏi: “Nhà mình hái cà phê chưa nhỉ?”

Ở quê tôi, cà phê và tiêu là nguồn thu nhập chính của nhà nông. Do đó, mọi người thường dành rất nhiều thời gian cho việc chăm sóc cà phê từ những ngày ra hoa cho đến ngày thu hoạch. Vì vậy khi đến mùa thu hoạch cà phê, bạn sẽ thấy được sự háo hức và vui sướng hiện lên trên khuôn mặt của mọi người.

Để có một mùa thu hoạch thuận lợi nhất mọi thứ đều được chuẩn bị cẩn thận và đầy đủ. Với số lượng thành viên ít ỏi trong gia đình họ không thể quán xuyến trong một khoảng thời gian ngắn, tránh trường hợp cà phê chín quá và rụng. Do đó, hầu như các gia đình đều phải thuê thêm nhân công. Vì vậy, thời gian hái cà phê sẽ không quá dài. Mùa hái cà phê thường bắt đầu từ đầu tháng 11 cho đến hết tháng 12 tùy vào năm đó cà phê chín sớm hay chín muộn.

Để tiết kiệm thời gian, mọi người sẽ ở lại nông trại cà phê thay vì trở về nhà vào mỗi buổi tối. Như thế vào sáng hôm sau, họ có thể bắt đầu công việc sớm.

Khi hái, họ sẽ chia thành nhiều đội và mỗi đội có hai người. Số lượng đội phụ thuộc vào gia đình đó thuê nhiều hay ít người. Không giống như cà phê đặc sản phải hái từng quả, ở đây việc thu hoạch diễn ra nhanh hơn, họ tuốt hạt theo từng cành. Đây là hái cà phê theo kiểu đại trà.

Đối với tôi, đây là công việc vui nhất. Vì mọi người vừa cười vừa nói chuyện vừa hái cà phê. Nhiều lúc họ còn giải trí bằng cách thi xem đội nào đi tới đích nhanh nhất. Nhưng nó thường không dành cho một cô gái như tôi.

Tôi thường phải đảm nhiệm công việc ít vui hơn, đó là “mót’ cà phê. Tức là đi nhặt những hạt còn vương vãi dưới đất sau khi mọi người đã hái xong. Vì sao tôi bảo đó là công việc buồn nhất, vì chỉ có một mình lủi thủi làm trong khi mọi người đã bỏ xa hàng chục dặm. Tôi chỉ biết làm bạn với đất, với hạt cà phê và thỉnh thoảng là những con sâu, con bọ. Do đó, tôi thường bỏ bê nơi làm việc của mình mà chạy đến chốn “phồn hoa đô thị” để cùng chung vui với mọi người cho đến khi bị đuổi về bởi ba hoặc mẹ mình.

Những hạt cà phê sau khi được thu hoạch về sẽ được đem đi phơi dưới ánh nắng mặt trời. Trước đây, thời gian phơi phóng phụ thuộc vào thời tiết, nếu năm đó trời mưa dầm thường xuyên sẽ diễn ra lâu hơn, có gia đình kéo dài tới tết. Nhưng hiện nay, nhiều gia đình xây thêm hệ thống lò sấy nên việc làm khô được diễn ra nhanh chóng.

Khi kết thúc mùa thu hoạch cà phê, mỗi gia đình sẽ tổ chức một bữa tiệc nhỏ gọi là “rửa bạt”. Đây là bữa tiệc chia tay những người đã đồng hành cùng họ trong mùa hái cà phê và ăn mừng có một mùa thu hoạch thuận lợi, bội thu. Tôi rất thích cái cách mọi người đặt tên cho bữa tiệc ấy, vừa thân thương vừa gần gũi mà cũng mang nhiều ý nghĩa.

Cũng giống như mùa gặt lúa, bạn sẽ ngửi thấy mùi lúa chín, mùi khói của rạ thì mùa hái cà phê cũng sẽ có những mùi đặc trưng. 

Đó là mùi của nhựa cà phê tiết ra, mùi cà phê khi đã được phơi khô, của những vỏ trấu bị đốt cháy và của bụi cà phê khi được xay sát. Mỗi lần về nhà dịp giáng sinh chỉ cần bắt gặp một trong những mùi đó thì bao nhiêu ký ức ùa về.

Trong năm, có hai mùa đáng nhớ nhất của người làm cà phê. Thứ nhất là mùa tưới tiêu, mùa này quyết định năm đó bội thu hay mất mùa, giả sử năm đó có sương muối hay có những cơn mưa không mong muốn đến thì xác định năm đó chan cơm với nước mắt. Thứ hai là mùa thu hoạch, cho dù là được mùa hay mất mùa thì cũng là lúc mọi người thu hoạch được những gì mình đã cố gắng trong một năm qua và tất nhiên ai cũng sẽ mong chờ nó đến.

Hy vọng bài viết này đã cho bạn một cái nhìn tổng quan về mùa hái cà phê ở vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió.

Nếu muốn tìm hiểu thực tế thêm về cà phê bạn có thể ghé thăm bảo tàng thế giới cà phê tại Ban Mê Thuật và Tour Đồn Điền Cà Phê Coorg, mua vé tại Klook để được giảm giá 50% có cơ hội tìm hiểu cà phê từ lúc canh tác cho đến khi cầm trên tay ly cà phê.

Hoặc bạn có thể liên hệ tôi vì tôi sẽ giúp bạn có những trải nghiệm thực tế với những người dân ở Dak Nông với mùa tưới cà phê (vì mùa hái cà phê đã qua rồi, hẹn bạn vào dịp cuối năm nhé). Bạn sẽ có cơ hội ngắm những con đồi phủ trắng xóa bởi hoa cà phê. Chờ nhé, tôi sẽ gửi quay lại với bài viết về mùa tưới cà phê sớm thôi.

***************

Mỹ Hường – Freelance Writer/ Blogger

Like fanpage Go and Drinks để kết nối gần hơn với mình nhé