Mấy hôm trước, khi nghe Have a sip của Vietcetera, trong buổi phỏng vấn với Lê Cát Trọng Lý, cô ấy chia sẻ rằng cô ấy đã đo lường năng suất công việc của mình thông qua số giờ làm việc. Không chỉ một mình Lê Cát Trọng Lý làm điều đó, hiện nay, tất cả mọi hoạt động của chúng ta dường như đều sử dụng con số để đánh giá. Việc quy đổi mọi thứ ra con số sẽ giúp chúng ta có một cái nhìn tổng quan hơn.
Tương tự với chăm sóc sức khỏe, chúng ta cũng đều quy đổi tất cả những gì có thể ra con số. Ví dụ, số bước chân mỗi ngày, nhịp tim, lượng calories cần tiêu thụ mỗi ngày là bao nhiêu… Những chỉ số đó giúp chúng ta dễ dàng theo dõi tình trạng sức khỏe.
Nhưng có một điều cần lưu ý, không phải chỉ số nào đưa ra cũng đủ chính xác để xác định tình trạng sức khỏe của bạn. Điều mình muốn nói ở đây chính là chỉ số BMI thước đo mối quan hệ giữa cân nặng và chiều cao. Bác sĩ thường sử dụng chỉ số BMI để đánh giá tình trạng sức khỏe của bệnh nhân.
Nhưng, nhiều chuyên gia sức khỏe cho rằng việc sử dụng BMI để đánh giá sức khỏe là vô nghĩa và không chính xác. Nếu chỉ dùng mỗi BMI để đưa ra quyết định người đó có bệnh hay không là chưa đủ cơ sở.
Vậy tại sao việc sử dụng BMI làm thước đo sức khỏe duy nhất của bạn là vô nghĩa, các chuyên gia nói gì về điều này? Bài viết này sẽ giúp bạn giải đáp những câu hỏi đó.
BMI bắt nguồn từ đâu?
Khái niệm BMI được phát triển vào năm 1832 (vâng, gần 200 năm trước) bởi nhà thống kê người Bỉ Lambert Adolphe Quetelet, người được kêu gọi tạo ra một mô tả về người có khối lượng trung bình để giúp chính phủ ước tính số người béo phì trong dân số.
Phương pháp tính của Quetelet sau đó được đổi tên thành BMI và được sử dụng làm chỉ số sức khỏe. Vào thời của Quetelet, không có các thiết bị điện tử, máy tính hay khoa học công nghệ nên phương pháp của anh được sử dụng rộng rãi. Nhưng có một câu hỏi đặt ra, tại sao phương pháp này vẫn còn được sử dụng phổ biến cho đến tận ngày nay. Liệu công thức tính chỉ số BMI còn chính xác và đáng tin cậy nữa hay không?
BMI được đo như thế nào và có ý nghĩa gì?
Công thức tính chỉ số BMI trở nên đơn giản và dễ tính hơn nhờ các công cụ tính toán có sẵn trên các trang web. Để tính chỉ số BMI, bạn cần có số đo chiều cao và cân nặng, được tính theo công thức sau:
BMI = Cân nặng/ [(Chiều cao)^2]
Trong đó, chiều cao tính bằng m và cân nặng tính bằng kg.
Chỉ số BMI sẽ nói lên tình trạng cơ thể của bạn dựa vào từng mức độ khác nhau:
- Chỉ số BMI dưới 18,5: thiếu cân
- Chỉ số BMI từ 18,5 đến 24,9: bình thường
- Chỉ số BMI từ 25,0 đến 29,9: thừa cân
- Chỉ số BMI từ 30 trở lên: béo phì

Vậy chỉ số BMI có phải là thước đo sức khỏe chính xác?
Câu trả lời là không
Mặc dù BMI là cách dễ dàng, rẻ nhất để tiếp cận và sàng lọc sức khỏe của một người nhưng không nên dựa vào BMI như là một thức đo sức khỏe duy nhất.
Dưới đây, mình sẽ giải thích lý do vì sao:
BMI bỏ qua một thước đo quan trọng, đó là tỷ lệ phần trăm mỡ trong cơ thể
BMI dựa trên trọng lượng cơ thể, nhưng nguy cơ mắc bệnh của một người có liên quan đến lượng mỡ trong cơ thể chứ không phải chỉ mỗi cân nặng.
Mặc dù trọng lượng cơ thể có thể là đại diện cho lượng mỡ trong cơ thể, nhưng không phải lúc nào cũng chính xác, ví dụ như một người có khối lượng cơ bắp nhiều hơn so với chất béo, chỉ số BMI sẽ không nói lên được người đó béo phì hay bình thường.
Chỉ số BMI không thể phân biệt chất béo với cơ nên dễ dẫn đến phân loại sai. BMI đã phân loại các vận động viên có tình trạng thể lực cao nhất, chẳng hạn như vận động viên chạy nước rút Usain Bolt, gần như thừa cân, và cầu thủ bóng đá người Mỹ Tom Brady là béo phì.
BMI không đo được sự phân bổ mỡ trong cơ thể
Nhiều nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người có cùng chỉ số BMI có thể có các nguy cơ mắc bệnh khác nhau, chủ yếu là do chất béo được phân bổ trong cơ thể họ khác nhau.
Nếu bạn có mỡ tích tụ quanh bụng, nguy cơ mắc bệnh mãn tính của bạn cao hơn nhiều so với những người có mỡ tích trữ quanh hông, vì đây là chỉ số cho biết bạn có bao nhiêu mỡ nội tạng – loại mỡ nằm sâu bên trong bụng làm tăng nguy cơ đột quỵ, tiểu đường loại 2 và bệnh tim.
Các nhà nghiên cứu từ Đơn vị Dịch tễ học của Hội đồng Nghiên cứu Y khoa (MRC), Vương quốc Anh, báo cáo trên PLoS Medicine rằng vòng eo có liên quan chặt chẽ và độc lập với nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2, ngay cả sau khi đã tính đến chỉ số BMI. Chỉ số vòng eo nên được sử dụng rộng rãi hơn để dự đoán nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Ở người da trắng, phụ nữ có vòng eo trên 80cm và đàn ông có vòng eo hơn 94cm có nguy cơ mắc bệnh mãn tính tăng cao và đối với người dân châu Á, vòng eo trên 80cm đối với phụ nữ hoặc 90cm đối với nam giới.

BMI không tính đến sự khác biệt về nhân khẩu học
Khi Quetelet tạo ra chỉ số BMI, họ đã nghiên cứu phần lớn dân số Anglo-Saxon là nam giới, trung niên. Phương pháp này đã chiếm ưu thế cho đến tận ngày nay.
Về bản chất, cơ thể chúng ta có một số đặc điểm riêng biệt do giới tính chi phối, ví dụ như phụ nữ thường có khối lượng cơ ít hơn và khối lượng mỡ nhiều hơn nam giới. Khối lượng cơ bắp giảm và thay đổi xung quanh cơ thể khi chúng ta già đi.
Các chuyên gia đã chỉ ra sự khác biệt đáng kể về trọng lượng cơ thể, nguy cơ mắc bệnh dưa trên sắc tộc. Một vài nghiên cứu từ những năm 2000 đã cho thấy rằng, người châu Á có chỉ số BMI thấp hơn và người dân tộc Polynesia có thể vẫn rất khỏe mạnh với chỉ số BMI cao hơn.
Điều này đã dẫn đến việc các điểm giới hạn BMI cần được xác định lại cho người châu Á (có chỉ số BMI khỏe mạnh dưới 23) và người Polynesia (có chỉ số BMI khỏe mạnh dưới 26).
Vậy chúng ta nên sử dụng công cụ nào thay thế cho BMI?
Rõ ràng là cân nặng và sức khỏe có liên quan với nhau, với vô số nghiên cứu chứng minh những người béo phì hoặc thừa cân có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
Mặc dù BMI được sử dụng như một công cụ sàng lọc, nhưng nó không phải là công cụ duy nhất dựa vào để đánh giá sức khỏe của một người.
Thay vào đó, chúng ta cần tập trung vào những phương pháp cho chúng ta biết thêm về chất béo trong cơ thể và nơi nó phân bố, đo chu vi cân nặng, tỷ lệ vòng eo trên hông và lượng mỡ trong cơ thể để hiểu rõ hơn về tình trạng sức khỏe và những rủi ro tiềm ẩn.
Ngoài ra, chúng ta cũng cần xem xét nhiều cách khác nhau để đo lường sức khỏe và khả năng mắc bệnh, bao gồm hàm lượng chất béo trung tính (một loại chất béo có trong máu của bạn), huyết áp, đường huyết, nhịp tim, tình trạng viêm và mức độ căng thẳng.
Mặc dù chỉ số BMI có thể là điểm khởi đầu để hiểu về sức khỏe, nhưng nó không bao giờ nên là phép đo duy nhất bạn sử dụng.
Nguồn: