Khi tìm hiểu về dinh dưỡng, chắc hẳn bạn sẽ bắt gặp một số cụm từ dùng để chỉ một nhóm thực phẩm, một chế độ ăn uống nào đó. “Superfood” hoặc “siêu thực phẩm” là một trong những cụm từ phổ biến trong những năm gần đây. Người ta thường xuyên sử dụng những cụm từ này chủ yếu nhằm mục đích marketing, đẩy mạnh quá trình mua sắm của người tiêu dùng hơn là nói về tác dụng của nó. Nhờ sức mạnh truyền thông, các loại thực phẩm nằm trong nhóm “siêu thực phẩm” luôn nằm trong top bán chạy.
Mặc dù trên thực tế có nhiều loại thực phẩm có chứa nhiều chất dinh dưỡng hơn so với những loại thực phẩm khác thật nhưng điều đó không có nghĩa bạn ăn vào, bạn sẽ “trường sinh bất lão”, hoặc có khả năng chữa bách bệnh.
Superfood hoặc “siêu thực phẩm” là thực phẩm có hàm lượng chất dinh dưỡng cao. Điều này có nghĩa là những loại thực phẩm này có khả năng cung cấp cho cơ thể một lượng dinh dưỡng đáng kể với rất ít calo. Chúng thường chứa một lượng lớn khoáng chất, vitamin và chất chống oxy hóa.
5 loại siêu thực phẩm phổ biến
Cải kale
Cải kale là một trong những siêu thực phẩm được tìm mua nhiều nhất. Cải kale có hàm lượng chất xơ, vitamins A, E, K và C, folate, canxi, sắt. So với các loại thực vật khác, cải xoăn có hàm lượng chất xơ và vitamin K cao, là nguồn cung cấp vitamin A vừa phải và chứa hàm lượng vitamin C cao hơn các loại rau xà lách và rau họ cải khác. Cải xoăn cũng được công nhận là một loại thực phẩm giàu vitamin B khác (B1, B2, B3, B6).
So các loại rau củ khác, cải xoăn có hàm lượng axit oxalic thấp – một hợp chất làm giảm khả dụng sinh học của canxi, sắt và các khoáng chất khác. Điều này có nghĩa khi ăn cải xoăn, cơ thể có thể hấp thu tốt các chất dinh dưỡng bao gồm cả sắt và canxi, vốn được coi là nguồn cung cấp chất khoáng cho những người ăn chay.
Tiêu thụ cải kale giúp bạn phòng chống một số bệnh, chống oxy hóa, bảo vệ tim mạch, giảm nguy cơ gây ung thư và ngăn ngừa rối loạn tiêu hóa.

Bơ
Một trong những điểm nổi bật nhất của bơ là chứa nhiều chất béo đơn không bão hòa hay còn gọi là chất béo lành mạnh. Ngoài ra, trong bơ còn chứa vitamin E, K, C và B, đồng, magie, kali, chất xơ…
Phytosterol, chủ yếu là β-sitosterol trong quả bơ, bảo vệ tim mạch bằng cách ức chế sự hấp thu cholesterol. Các hợp chất phenolic cũng góp phần ngăn ngừa bệnh tim mạch.
Bơ giúp chống lại một số tế bào ung thư (như vú, ruột kết, gan, thực quản…). Bơ cũng chứa hàm lượng magie cao. Magie đóng vai trò điều chỉnh huyết áp và lượng đường trong máu, thiếu magie có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn.

Hạt chia
Hạt chia chứa một lượng lớn chất xơ và lipid, giàu axit béo không bão hòa, chủ yếu là axit α-linolenic và một số vitamin và khoáng chất khác. Chúng cũng có hàm lượng protein cao đáng kể so với các loại hạt khác; giúptiêu hóa tốt.
Việc kiểm soát cân nặng của hạt chia nhờ vào đặc tính hydrat hóa của chất nhầy mà hạt tiết ra sau khi ngâm trong nước. Chất nhầy làm tăng cảm giác no do hạt chia làm chậm quá trình làm rỗng dạ dày.
Các hợp chất phenolic, caroten, protein và peptin góp phần chống oxy hóa, bệnh tim và một số loại ung thư. Tiêu thụ các thực phẩm có hàm lượng xit α-linolenic cao, chẳng hạn như hạt chia, có tác dụng làm giảm lipid và lipoprotein gây xơ vữa, giảm huyết áp và các dấu hiệu viêm nhờ vào việc chuyển đổi axit α-linolenic thành chuỗi dài n-3 PUFA (EPA và DHA) (axit eicosapentaenoic n-3 PUFA chuỗi dài (EPA) và axit docosahexaenoic (DHA)).

Cá hồi
Hàm lượng axit béo không bão hòa đa (PUFA) trong cá hồi, chủ yếu là axit eicosapentaenoic n-3 PUFA chuỗi dài (EPA) và axit docosahexaenoic (DHA) có tác dụng chống viêm, cải thiện trí nhớ, ngừa rối loạn chức năng nội mô, giảm độ nhớt và áp lực của máu.
Carotenoid astaxanthin, sắc tố màu đỏ của thịt cá hồi có khả năng bảo vệ chống oxy hóa và viêm nhiễm, giảm nguy cơ tim mạch.
Protein chứa acid amin thiết yếu và không thiết yếu, có tác dụng ngăn ngừa tiểu đường, bệnh tim mạch, rối loạn chức năng thần kinh.

Tỏi
Tỏi chứa nhiều chất xơ, khoáng và vitamin như A, B, C…Ngoài ra, tỏi chứa nhiều loại chất có hoạt tính sinh học, chẳng hạn như organosulfur, phenolic (polyphenol, flavonoid, flavanol, tanin), saponin và polysacarit. Tuy nhiên, nồng độ của các hợp chất này thay đổi tùy thuộc vào quy trình sản xuất như quá trình chuẩn bị, điều kiện chiết xuất, nhiệt độ hoặc bảo quản. Khi tỏi được chế biến thành tỏi đen, nhờ quá trình nung nóng bởi nhiệt, một số thành phần trong tỏi tươi được chuyển đổi bằng phản ứng Maillard thành các hợp chất có hoạt tính sinh học cao hơn, polysacarit bị phân hủy, hàm lượng S-allyl cysteine, tổng số polyphenol và flavonoid tăng so với nguyên liệu thô.
Trong thành phần của tỏi có chứa các hợp chất organosulfur giúp kháng khuẩn, kháng nấm và kháng vi-rút. Ngoài ra, tỏi còn giúp chống lại một số loại ung thư như ung thư vú, buồng trứng, thận, gan, thực quản, đại trực tràng và dạ dày.

Thay vì chỉ tập trung vào superfood, hãy tập trung vào bữa ăn của bạn
Đúng là siêu thực phẩm bổ dưỡng hơn so với với những loại thức ăn khác nhưng thuật ngữ này chỉ hữu ích cho việc thúc đẩy doanh số bán hàng hơn là đưa ra những tối ưu về dinh dưỡng.
Và chính tên “siêu thực phẩm” có thể sẽ khiến mọi người tập trung quá nhiều vào một số loại thực phẩm cụ thể, làm họ mù quáng, không lựa chọn những loại thực phẩm không được quảng cáo rầm rộ.
Sự đa dạng trong chế độ ăn uống rất quan trọng, không chỉ giúp cung cấp cho cơ thể nhiều loại vitamin và khoáng chất cần thiết mà còn mang lại nhiều hương vị, kích thịch thị giác, vị giác, giúp chúng ta ăn ngon miệng hơn.
Ở trên chỉ là một vài ví dụ để các bạn dễ hình dung hơn về khái niệm siêu thực phẩm, và ngoài những loại thực phẩm đó, trên thị trường có rất nhiều thực phẩm được xếp vào nhóm này. Tuy nhiên, thay vì chỉ tập trung vào một vài đối tượng, hãy khám phá thêm nhiều loại thực phẩm khác và tạo nên một bữa ăn có nhiều hương vị khác nhau.
Nguồn:
What are superfoods and why should you eat them?
‘Superfoods’: Reliability of the Information for Consumers Available on the Web