Mình đã theo dõi Thưởng trà từ lâu và mong có dịp ra Hà Nội để ghé quán nhưng vẫn chưa có cơ hội. Khi biết Thưởng trà cho ra mắt cuốn sách đầu tiên Thưởng trà dưới mái hiên nhà, mình đã không ngần ngại để đặt mua. Vì sách về trà và cà phê ở Việt Nam không có nhiều, nếu muốn tìm hiểu sâu chỉ có cách đi trải nghiệm thực tế trong khi Việt Nam là một trong những đất nước nổi tiếng về trà.
Đúng như mình mong đợi ở cuốn sách, đan xen với lý thuyết về trà là câu chuyện giữa trà và cuộc sống tác giả, giúp độc giả dễ dàng tiếp cận thông tin mà tác giả muốn truyền tải.
Về diện mạo bên ngoài cuốn sách. Sách được thiết kế bìa cứng, phông chữ to giúp người đọc không bị mệt khi phải cập nhật quá nhiều kiến thức thô về trà. Vì vậy mặc dù sách dày gần 250 trang nhưng mình chỉ đọc trong 2 ngày là xong.
“Dưới mái hiên nhà” là sự kết hợp của hai vợ chồng anh Nguyễn Việt Bắc, chồng là người có 10 năm kinh nghiệm làm trà, vợ là một cây viết nổi tiếng. Nếu phần của chồng thiên về lý thuyết về trà thì phần của vợ đưa trà gần hơn với cuộc sống hiện đại.
Trà gắn liền với tuổi thơ của tác giả. Trà giúp tác giả kết nối gần hơn với gia đình. Chính vì lẽ đó, tình yêu tác giả dành cho trà được thêu dệt từ những ngày còn thơ bé, từ ngày người cha dùng những buổi uống trà để dạy con mình nhưng lúc làm sai điều gì đó, cho đến bây giờ, thưởng trà là khoảng thời gian cha con hàn huyên tâm sự.
Mình thích cách tác giả đặt tên cho công việc, nhân viên ở tại quán trà, vừa hoài cổ, vừa gần gũi nhưng cũng không kém phần sang trọng. Ví dụ như cách tác giả sử dụng cụm từ “dệt trà” cho công việc ướp hương hay cách tác giả đếm thời gian trong một năm qua mùa dệt hương chứ không phải theo ngày tháng năm. Bằng cách đặt tên cho những cô gái làm việc tại Thưởng trà là “Trà nương” đã biến những cô gái đó trở nên dịu dàng, đẹp và giống như những cô gái Việt thời xưa.
“Dưới mái hiên nhà” đã truyền cảm hứng làm trà cho mình cực kỳ nhiều. Khi đọc xong, mình chỉ muốn kiếm ngay nguồn trà và dệt thử theo cách hướng dẫn của tác giả. Đối với mình, đây không chỉ là cuốn sách nói về trà mà là cuốn sách truyền cảm hứng làm trà, yêu trà, thưởng trà.
Việt Nam là một trong những nơi trồng trà nổi tiếng. Thế nhưng trà chỉ được các bậc trung niên để tâm còn giới trẻ thì gần như không biết gì. Phải chăng cách tiếp cận trà Việt đến với giới trẻ Việt chưa đúng. Khi mà cuộc sống hiện nay người ta càng sống nhanh, sống vội, liệu có mấy ai ngồi lại, thưởng trà và chiêm nghiệm cuộc sống.
Chúng ta mãi chạy đua với danh vọng, sự nghiệp mà quên mất nuôi dưỡng tâm hồn mình. Hiện nay, chúng ta dành thời gian rảnh cho điện thoại, cho mạng xã hội, cho công nghệ mà quên mất rằng nếu như ngày xưa khi chưa có điện thoại thì khoảng thời gian trống đó chúng ta sử dụng hiệu quả hơn thế này.
Đã bao lâu rồi bạn không cho những giác quan hoạt động đúng với chức năng của nó. Đã bao lâu rồi bạn không còn cảm nhận được vị đắng của ly cà phê, vị thơm của trà, vị ngọt của nước. Đã bao lâu rồi bạn uống cà phê vì muốn cảm nhận vị đắng, vị chua, vị của đất trời mà không phải sử dụng cà phê như là một thức uống giúp bạn tỉnh ngủ. Đã bao lâu bạn thực sự uống trà mà không phải sử dụng như một loại thức uống giải khát. Bạn đã thực sự cho bản thân sống một cuộc sống đúng như bạn mong muốn.
Một ngày nào đó, bạn hãy thử đặt điện thoại xuống, tự pha cho mình một ấm trà, đọc sách Dưới Mái Hiên Nhà, thưởng trà và ghi lại cảm xúc lúc đó như thế nào nhé. Bạn sẽ nhận ra rằng cuộc sống còn nhiều điều tốt đẹp và cần khám phá. Hãy để trà thực hiện đúng chức năng của nó, là cầu nối tinh thần giúp bạn tìm thấy mối tâm giao. Và hãy thưởng trà theo cách của bạn.
*******
Mỹ Hường – Freelance Writer/ Blogger
Like fanpage Go and Drinks để kết nối gần hơn với mình nhé!!!