Mình biết đến loại trà này khi xem talk show “Have a sip” của Vietcetera trong buổi phỏng vấn Jevermind. Mỗi khách mời khi đến chương trình sẽ được mời một loại đồ uống nào đó dựa vào sở thích và sự lựa chọn của khách mời. Khi nghe đoạn đầu giới thiệu về trà cascara mình đã có một chút tò mò cộng một chút thích thú nên đã quyết định tìm hiểu sâu về loại này. Kiểu đụng trúng chỗ ngứa của một cô gái khoái tìm hiểu về các loại đồ uống như mình.
Trà cascara là gì?
Cascara nghe có vẻ mỹ miều, lạ lẫm nhưng thực ra là trà làm từ vỏ quả cà phê phơi khô. Từ “Cascara” xuất phát từ tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “skin”, hoặc “husk”. Từ ý nghĩa của tên, trà Cascara đã thể hiện rõ về tính chất đặc điểm của trà mà không cần phải giải thích nhiều. Ngoài ra, đó là cách giúp trà Cascara không bị nhầm lẫn với những loại trà thảo mộc khác.
Sau khi thu hoạch cà phê, thay vì loại bỏ lớp vỏ cherry bên ngoài, người ta thu gom và phơi khô để tạo ra trà Cascara. Ở Việt Nam, người ta sử dụng cà phê Arabica ở Cầu Đất, Lâm Đồng làm nguyên liệu chính để sản xuất trà Cascara với mục đích tận dụng trọn vẹn hương vị của cà phê Arabica mang lại. Hiện tại mình chưa có cơ hội thưởng thức trà Cascara làm từ cà phê Robusta nên không thể đưa ra so sánh chính xác về hai loại cà phê này.

Hương vị ra sao?
Mình khẳng định với bạn đây không hẳn là cà phê, mặc dù nó xuất phát từ cây cà phê. Nếu trà lá cà phê nghiêng hẳn sang trà thảo mộc thì Cascara đứng giữa ranh giới cà phê và thảo mộc. Dĩ nhiên, hương vị của nó sẽ hoàn toàn khác với vị cà phê bạn uống hàng ngày. Cascara là sự kết hợp của hương vị trái cây và mùi nhựa cà phê tiết ra. Nếu bạn đã từng có trải nghiệm hái cà phê hoặc tới nông trại cà phê, bạn sẽ dễ hình dung cái mùi mà mình muốn nói đến. Hàm lượng cafein thấp hơn so với cà phê 111.4 mg/L trong khi cà phê có 400-800 mg/L. Trà Cascara thích hợp với những người thích uống cà phê nhưng không thể dung nạp lượng cafein lớn vào cơ thể.
Mức độ phổ biến của Cascara trên thế giới và Việt Nam
Trà Cascara chỉ trở nên phổ biến trong những năm gần đây nhưng ít khi ai biết trà đã xuất hiện ở Yemen and Ethiopia – nơi được mệnh danh là cái nôi của cà phê hàng thế kỷ trước. Trước đây, người ta thường sử dụng vỏ quả cà phê phơi khô pha chung với gừng, quế uống hằng ngày thay cho cà phê. Lúc đó, cà phê được xem là hàng xa xỉ và chỉ có tầng lớp thượng lưu mới có khả năng chi trả. Mặc dù, cà phê được trồng bởi tầng lớp nông dân nhưng với sự quản lý nghiêm ngặt trong quá trình thu gom và sản xuất họ không có cơ hội thưởng thức loại đồ uống này. “Cái khó ló cái khôn”, trà Cascara nhờ đó mà ra đời. Vì vậy, loại trà này được hưởng ứng và sử dụng nhiều hơn so với cà phê ở Yemen vì giá thành rẻ hơn rất nhiều.
Những năm gần đây trà Cascara trở nên phổ biến ở Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới. Họ bắt đầu sản xuất trà Cascara cùng với cà phê với mục đích tăng thu nhập cho người nông dân ở những vùng nông trại.
Ở Việt Nam những năm gần đây sự xuất hiện của Cascara trở nên phổ biến. Hiện nay, mình thấy có một số quán cà phê có thêm trà Cascara vào thực đơn của họ ví dụ như Lacàph, An Cafe (quán cà phê ở Đà Lạt). Nếu bạn có dịp đi Đà Lạt có thể ghé An Cafe để thưởng thức, hôm mình tới thì quán hết trà này nên chưa thể đánh giá ngon hay dở. Nếu bạn ghé hãy cho mình biết cảm nhận nhé.
Mua trà Cascara ở đâu?
Lacàph được biết là nơi dành cho những người hiếu kỳ về cà phê và là nơi cho bạn những trải nghiệm học cách pha chế cà phê từ truyền thống cho đến hiện đại. Cam kết giới thiệu đến khách hàng những hạt cà phê hảo hạng nhất Việt Nam, tôn vinh những di sản và văn hoá đặc sắc phát triển xoay quanh chúng, Lacàph không bỏ lỡ cơ hội mang trà Cascara đến gần hơn với người tiêu dùng.
Tại Lacàph, bạn có thể mua trà Cascara tự pha. Nhưng nếu bạn không tự tin về khả năng pha chế của mình thì có sự lựa chọn Lacàph Cold Steep Cascara. Trà được ngâm 20 tiếng và pha với mật ong ngâm hoa oải hương khô, đảm bảo cho bạn một trải nghiệm khó quên.
Viethealth với sứ mệnh “vì một cộng đồng khỏe mạnh, Việt Healthy không ngừng sáng tạo và đưa ra thị trường những sản phẩm chăm sóc sức khỏe thiên nhiên chất lượng cao nhất, giá cả hợp lý nhất cho người Việt”. Tại Viethealth bạn cũng có thể dễ dàng mua được trà Cascara với chất lượng tốt. Ở đây, mình chỉ thấy bày bán trà phơi khô, bạn có thể mua về và trải nghiệm ngay tại nhà. Ngoài ra, Viethealth còn có các sản phẩm trà khác cho bạn có thêm nhiều lựa chọn.
Cách pha
Trà cascara được biết nhiều với phương pháp cold brew. Tuy nhiên bạn vẫn có thể áp dụng phương pháp pha trà bình thường với nước nóng. Ở đây, mình sẽ hướng dẫn bạn hai cách pha trà nóng và lạnh.
Chuẩn bị
- Nước nóng
- 1-2 thìa cà phê trà Cascara tương ứng với 250 ml nước
- Bình trà
- Mật ong
- Gừng, quế (nếu thích)
Hướng dẫn:
- Đun nước sôi
- Bỏ trà vào bình trà, thêm gừng hoặc quế nếu bạn muốn tăng thêm mùi thơm cho trà.
- Rót nước sôi vào trà và ngâm trà ít nhất một phút ( thời gian phụ thuộc vào sở thích của bạn). Bạn có thể thử ở nhiều khoảng thời gian khác nhau để tìm ra hương vị yêu thích của bạn thân.
- Thêm mật ong nếu bạn thích ngọt
- Thưởng thức.

Ủ lạnh trà cascara
Chuẩn bị:
- Nước lạnh
- 6 muỗng cà phê trà Cascara tương ứng với 300 ml nước
- Bình đựng có nắp đậy
Hướng dẫn:
- Bỏ trà vào bình đựng và thêm nước lạnh vào bình
- Đặt bình vào tủ lạnh và tiến hành ủ trà ít nhất 24 tiếng
- Lọc trà và thưởng thức
