Trà từ lá cà phê? Bạn không hề đọc nhầm đâu. Thú thực tôi khá bất ngờ khi biết lá cà phê cũng có thể được dùng làm trà. Khi đó liên tục những câu hỏi được đặt ra. Làm thế nào có thể biến lá cà phê thành trà? Tại sao lại sử dụng lá cà phê? Lá cà phê có tác dụng gì không? Chẳng lẽ trên thế giới thiếu thốn nguyên liệu làm đồ uống đến mức tận dụng cả lá cà phê? Và sau khi tìm hiểu thì tôi cũng đã có thể giải đáp hết những thắc mắc đó. Giờ tôi sẽ giúp bạn trả lời những câu hỏi đó. Yên tâm, cái gì cũng sẽ có nguyên do của nó.

Nguồn gốc xuất xứ của thứ đồ uống kỳ lạ này

Có thể bạn sẽ nghĩ trà lá cà phê chỉ mới xuất hiện những năm gần đây. Nhưng không, nó đã xuất hiện hàng thế kỷ trước, bắt nguồn từ các nước Sumatra, Ethiopia, Jamaica, India, Java, và Sudan.

Giữa thế kỉ 19, Hà Lan xâm chiếm Indonesia và cho du nhập cây cà phê tới Indonesia trồng ở Minangkabau (một bộ lạc ở phía Tây Sumatera). Cà phê trở thành sản phẩm giao thương quan trọng của Hà Lan thời kì đó. Người dân địa phương nếu muốn thưởng thức hạt cà phê đều phải mua từ kho chứa hàng hóa của Hà Lan. Do đó, thay vì sử dụng hạt cà phê làm thức uống, họ đành phải sử dụng lá cà phê thay thế gọi là kahwa hay kahwa daun. Kahwa trở thành thức uống phổ biến và tốt cho sức khỏe của người dân Minangkabau.

Lá cà phê được phơi khô dưới ánh mặt trời để làm giảm vị đắng, sau đó đem đi hun khói và rang trong vài tiếng. Cuối cùng lá được pha bằng nước nóng và đựng trong vỏ quả dừa. Ngày này kahwa được pha chế cùng với đường, sữa đặc, gừng. 

Ở Harar và East Ethiopia, đồ uống từ lá cà phê được gọi là kuti. Vào thế kỉ 16 đến thế kỉ 19, cà phê được xem như là hàng hiếm và phục vụ trong những buổi lễ quan trọng. Kuti dần trở thành thức uống hàng ngày của người dân nơi đây. Sử dụng phương pháp pha trà truyền thống, lá cà phê được đun cùng với nước sôi trong vòng 30 phút. Người ta cho rằng thời gian đun sôi càng lâu, vị đắng trong lá cà phê sẽ càng giảm. Để tăng thêm hương vị cho kuti, người ta cho thêm 1 ít muối trước khi đun sôi và đường khi thưởng thức. Kuti có hàm lượng caffeine thấp hơn so với trà xanh và thường dùng trong việc chữa bệnh cảm lạnh

Trà lá cà phê có vị gì đặc biệt?

Tôi nghĩ sẽ có rất nhiều người nghĩ rằng mùi vị của lá sẽ giống như hạt, tức là có vị đắng và hậu chua. Thực tế thì khác, mặc dù cùng là trên cây cà phê nhưng mùi vị hoàn toàn khác cà phê. Cũng như những loại đồ uống khác, khí hậu, đất đai và thổ nhưỡng là yếu tố ảnh hưởng đến mùi vị của lá cà phê. Loại đồ uống này không xuất phát từ cây chè Camellia sinensis, nên nó có thể được xếp vào nhóm trà thảo mộc và dĩ nhiên, mùi vị của nó cũng không giống như trà.

Trà lá cà phê có vị nhẹ nhàng, ngọt nhẹ của mật ong, đặc biệt là không đắng cho dù ngâm lâu trong nước. Bạn sẽ tìm thấy hương vị của nó trong vanilla, mật ong, thuốc lá. Nếu so sánh với trà đen, trà này ít thơm hơn và vị ngọt đậm hơn. Hàm lượng cafein 20mg/250ml (theo Wize Monkey).

Tác dụng của trà lá cà phê

Lá cà phê có chứa Mangiferin Polyphenols, Antioxidants và Chlorogenic Acids. Để hiểu hơn về tính chất của lá cà phê, môt nghiên cứu về lá non và lá già đã được thực hiện. Các nhà nghiên cứu thử nghiệm chế biến lá cà phê theo hai phương pháp chế biến trà xanh và trà đen. Lá cà phê non sẽ áp dụng phương pháp chế biến trà xanh của Nhật Bản, còn lá cà phê già sẽ áp dụng phương pháp chế biến trà đen.

Kết quả nghiên cứu cho rằng, tuổi lá cà phê và thời gian pha trà làm thay đổi hàm lượng phytochemical, TPC (total polyphenol content), antioxidant, và hoạt động kháng viêm. Với mỗi phương pháp, lá cà phê sẽ có tác dụng khác nhau. Đối với phương pháp chế biến trà đen, lá cà phê có tác dụng làm giảm nguy cơ tăng huyết áp, giảm nguy cơ mắc các bệnh tim mạch. Bên cạnh đó với phương pháp trà xanh, lá cà phê tạo ra các hợp chất tự nhiên có tính chất chống oxy hóa và kháng viêm. Ngoài ra, trà lá cà phê còn bảo vệ cơ thể chúng ta khỏi sự xâm nhập của vi khuẩn, nâng cao hệ miễn dịch.

Trà lá cà phê đem lại lợi ích gì cho người nông dân?

Wize coffee leaf  là một trong những công ty sản xuất đồ uống từ lá cà phê kết hợp với những người nông dân trồng cà phê Nicaragua. Với nhận định rằng, hạt cà phê chỉ có thể thu hoạch trong vòng vài tháng và một năm chỉ thu hoạch được 1 lần. Trong khi lá cà phê có thể thu hoạch quanh năm. Wize Monkey thu hoạch lá cà phê sau mùa thu hoạch hạt để đảm bảo không ảnh hưởng đến chất lượng hạt cũng như cây cà phê.

Những người hái cà phê ở đây chủ yếu là dân nhập cư, nguồn thu nhập của họ phụ thuộc vào mùa thu hoạch. Vì vậy họ phải di chuyển từ nông trại này qua nông trại khác làm việc kiếm tiền nuôi sống gia đình. Wize Monkey cho rằng việc biến lá cà phê thành đồ uống là cách giúp người nông dân vừa có việc làm vừa tăng thu nhập hàng tháng. Từ đó cuộc sống của họ sẽ ổn định hơn. Ngoài ra, việc áp dụng thương mại công bằng trong giao thương còn giúp cho người dân giảm đi gánh nặng giá cả lên xuống theo biến động của thị trường.

Triển vọng nào cho trà cà phê trong tương lai?

 Theo World Tea News, 5 triệu người trên thế giới đang sử dụng loại trà này hàng ngày. Đầu năm 2020, European Food Safety Authority chấp nhận cho bán sản phẩm từ lá cà phê khắp EU, đồng nghĩa rằng thị trường còn mở rộng hơn nữa trong tương lai.

Nhưng để khách hàng chấp nhận việc dù xuất phát từ cây cà phê nhưng vị hoàn toàn khác cà phê, cũng là một thử thách lớn cần phải đối mặt

Mateusz Petlinski- người chịu trách nhiệm về chất lượng trà và cà phê tại Rösterei VIER cho biết: “Khách hàng có xu hướng mong muốn đồ uống của họ sẽ có vị như cà phê hoặc hàm lượng caffeine phải cao hơn trà thông thường. Đại đa số khách hàng sẽ cho rằng loại trà này sẽ thuộc về nhóm cà phê hoặc nhóm trà”.

Một số nhận định khác cho rằng, nó sẽ trở nên phổ biến đối với những khách hàng thích những mặt hàng luôn có quanh năm.

Wize Monkey đang mở rộng thị trường bán trà lá cà phê ra 30 nước trên thế giới với nhiều hương vị khác nhau. Hiện tại trà cà phê Wize Monkey có 8 hương vị để lựa chọn: vị nguyên bản, earl grey, vị xoài, chai, chanh gừng, dâu, bạc hà, hoa cúc. Wize Monkey còn sản xuất cả trà túi lọc và trà lá. Sản phẩm mới của họ, trà lá cà phê pha sẵn đạt giải Best New Product tại cuộc thi World Tea Expo năm 2015. Đối với những quán cà phê, trà lá cà phê còn là cầu nối cho ranh giới giữa cà phê và trà.

 

….

Không biết các bạn có giống như tôi không, sau khi đọc những bài nói về trà lá cà phê, tôi rất mong có cơ hội uống thử. Với những lợi ích mà loại đồ uống này mang lại, tôi hy vọng trong tương lai gần “coffee tea” sẽ xuất hiện trên thị trường của Việt Nam.

 

*******

Mỹ Hường – Freelance Writer/ Blogger

Like fanpage Go and Drinks để kết nối gần hơn với mình nhé